Tản mạn: Metaverse từ góc nhìn hạn hẹp

Tại thời điểm này nếu như tìm kiếm thông tin trên Internet về cụm từ metaverse, tôi nghĩ các bạn sẽ có hàng triệu kết quả trả về với rất nhiều góc nhìn đa chiều về metaverse. Cũng giống như các “buzz word” khác như cloud-native, hyperconverged computing, blockchain, web3, etc. tại thời điểm xuất hiện sẽ không có bất cứ một định nghĩa nào được “chuẩn hoá”, cụm từ “metaverse” cũng vậy. Việc “chuẩn hoá” một định nghĩa trong thời điểm những năm gần đây khi các công nghệ mới xuất hiện một cách rầm rộ về số lượng và cả tuổi đời dường như được nhận thức dựa theo sự phát triển của từng góc nhìn riêng biệt. Góc nhìn nào tồn tại và được sự ủng hộ của nhiều người, nó sẽ trở thành định nghĩa. Và có lẽ đây là một cách thức nhìn nhận vấn đề hợp lý hơn cả trong một thế giới công nghệ đang phát triển quá nhanh thay vì ta cứ cố gắng trong sự khiên cưỡng khi bằng mọi cách tìm ra một hệ quy chiếu?

Với cách tiếp cận như vậy, cá nhân tôi sẽ nhìn metaverse theo cái cách mà nó được số đông chấp nhận trong thời điểm hiện tại, có khả năng tồn tại và phát triển trong thời gian sắp tới. Với tôi, metaverse là gì?

Metaverse nói tóm gọn trong góc nhìn hạn hẹp của tôi sẽ có các hướng tiếp cận sau:

  • Metaverse là một “trải nghiệm” hoàn thiện nhất của con người về một thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thực. “Trải nghiệm” này bao trùm cả thế giới vật lý và cả thế giới kỹ thuật số.
  • Dưới góc độ kỹ thuật số, metaverse chính là “mục tiêu cuối cùng” hay là đích đến của công cuộc chuyển đổi số khi toàn bộ thế giới vật lý của con người được số hoá.
  • Dưới góc độ nội dung, metaverse chính là một “cách thức” hay “giao diện” của quá trình trải nghiệm để con người tiến vào kỷ nguyên của internet thế hệ 3 (web3), nơi quyền sở hữu nội dung là giá trị cốt lõi dựa trên hệ tư tưởng về phi tập trung (decentralization).
  • Metaverse có thể tập trung (centralized), phi tập trung (decentralized) tuỳ thuộc vào từng use case cụ thể. Khái niệm tập trung và phi tập trung khá nhạy cảm và làn ranh nhiều lúc chưa thực sự rõ ràng. Vấn đề này chúng ta sẽ bàn sau trong nội dung bài viết.

Trong một số miêu tả về đặc tính của metaverse được trình bày bởi rất nhiều diễn giả, cá nhân tôi ấn tượng với một số đặc tính như sau:

  • Metaverse bao gồm 1 nền kinh tế hoạt động hoàn thiện: Khái niệm một nền kinh tế ở trong metaverse cũng là một khái niệm mới. Nền kinh tế này đương nhiên vẫn sẽ phải có các hoạt động cơ bản của một nền kinh tế như: mua, bán, đầu tư, sở hữu, etc. giữa người tham gia, các doanh nghiệp. Nó có thể giống y hệt như thế giới thực, hoặc cũng có thể là một hình thái mới khi mà tiền mã hoá hoặc token không còn đơn giản là phương thức thanh toán nữa.
  • Metaverse bao trùm sự tương tác dữ liệu qua lại giữa các platform: Các platform hiện tại tạo nên nội dung số giống như các hòn đảo cô lập, các nội dung số này khó có thể tương tác với nhau. Một ví dụ đơn giản như bạn mua một món đồ nào đó trong một game A, bạn có thể mang món đồ đó sang game B để trang bị cho nhân vật của bạn. Điều này hiện tại là gần như không thể.

Vậy tại sao metaverse lại nổi lên trong thời gian 2-3 năm gần đây?


Cá nhân tôi cho rằng, Covid19 là một xúc tác vô cùng mạnh mẽ đến sự nhìn nhận và đầu tư vào metaverse. Rõ ràng những miêu tả về metaverse không hề mới, nhưng để một công nghệ được đưa vào áp dụng thì xuyên suốt chiều dài lịch sử hầu hết đều bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn. Thời thế tạo anh hùng và câu chuyện metaverse cũng vậy. Chính nhu cầu làm việc, sinh hoạt, giải trí, etc. từ xa được tạo ra bởi Covid19 là thời thế để metaverse lên ngôi. Nói một cách hoa mỹ thì Covid19 tạo nên hành vi người dùng, đồng thời đã và đang “educate” người dùng một thói quen “remote”. 

Quay trở lại góc nhìn về centralized hay decentralized với metaverse đã đề cập ở trên. Để xây dựng một metaverse mang đầy đủ nhất các đặc tính của nó sẽ phải cần sự chung tay của rất nhiều công ty công nghệ bao gồm gần như toàn bộ hệ sinh thái công nghệ hiện tại. Bên cạnh các công nghệ đã đạt được những thành tựu nhất định như Cloud computing, AI thì sẽ là các công nghệ vẫn đang đi tìm chỗ đứng như Edge computing, AR/VR. Tuy nhiên, cho dù là sự hợp tác thì rõ ràng metaverse vẫn sẽ được tạo ra bởi một nhóm các công ty công nghệ, vẫn là centralized khi nhóm này nắm quyền kiểm soát. Một bộ phim gần đây nhất miêu tả metaverse chính là “Real Player One” năm 2018 thì thế giới trong đó cũng được tạo ra bởi một người. Trong blog cá nhân năm 2018 nói về blockchain tôi cũng có đề cập nhanh khái niệm centralized và decentralized, các bạn cũng có thể có hình dung nhất định về chúng sau khi đọc blog này [1].

Vậy, một metaverse “decentralized” nó sẽ như thế nào? Ý niệm decentralized với tôi không đơn thuần là một cách thức biểu đạt về hệ thống thông tin mà nó thực sự là một hệ tư tưởng. Trong hệ tư tưởng này thì mỗi người có quyền sở hữu toàn bộ nội dung tạo ra bởi chính họ và thậm chí con người có quyền tham gia vào việc vận hành/hoạt động thế giới nơi mà họ tham gia sáng tạo, sở hữu và mua bán nội dung một cách “dân chủ” nhất có thể. Tất cả các hoạt động này đều không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một bên thứ 3 nào (luật pháp, toà án, etc.) mà sẽ được kiểm soát dựa trên các phần mềm. Vậy ai tạo ra các phần mềm này rõ ràng nắm một phần nào đó quyền lực điều khiển trong tay? Chưa kể việc vận hành một cách “dân chủ” nhất chính là thông qua voting. Hệ thống voting cũng cần phải được dựa trên một cơ sở nào đó, thứ mà tôi nghĩ chính là token hay định lượng tài sản nào đó mà người tham gia decentralized metaverse nắm giữ. Nói dễ hiểu hơn chính là ai nắm nhiều tài sản có giá trị hơn thì người đó có quyền vote cao hơn. Vậy những người tham gia thông thường làm sao có thể ngang hàng quyền “dân chủ” với những tổ chức nắm nhiều giá trị? Suy cho cùng, decentralized vẫn quay về một hình thái mà ở đó bản chất tột cùng chính là centralized. Ngoài ra nếu metaverse đi theo hướng decentralized thì đó chính là một ứng dụng (tôi nghĩ nó sẽ là killer app) của cái gọi là Web3 – một buzz world khác cũng đang vô cùng thịnh hành.

[1] https://blog.vietstack.vn/Facts-about-blockchain-and-future/

4
1

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *