Cloud War: Phần 1 – Đế chế mới hình thành

Hạm đội hải quân La Mã sinh ra với mục tiêu ban đầu để phòng thủ trước đối thủ hùng mạnh Carthage trong chiến tranh Punic lần thứ nhất (264-241 TCN). Lực lượng nhỏ bé và gần như bắt đầu từ số 0 này sau đó vươn mình giúp cho La Mã thống trị, chinh phạt hầu hết vùng đất ven biển Địa Trung Hải.

Câu chuyện lịch sử từ trước công nguyên đó có vẻ na ná với cách hình thành và phát triển của dịch vụ Điện toán đám mây Amazon – AWS (Amazon Web Services). Quay lại thời điểm những năm 2000, hãng thương mại điện tử Amazon chật vật tìm phương án cho việc đáp ứng tài nguyên một cách nhanh chóng, tin cậy, chi phí thấp và hiệu quả để bắt kịp với việc mở rộng kinh doanh. Cuối 2003, Benjamin Black cùng Chris Pinkham đưa ra một báo cáo nội bộ với khái niệm về dịch vụ tính toán và tầm nhìn mà từ đó về sau phát triển thành dịch vụ máy chủ ảo EC2. Black coi đó là việc thú vị nên làm, không ngờ được nó sẽ hình thành nên một trong những ngành công nghệ quan trọng và phá vỡ trật tự công nghệ với quy mô lên tới 818 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 19% ngành IT toàn cầu theo ước tính của Gartner.

AWS thành lập với nhiều hoài nghi, dẫn dắt bởi Andy Jassy. Năm 2006 dịch vụ lưu trữ S3 và máy chủ ảo EC2 được giới thiệu. Kỷ nguyên điện toán đám mây chính thức bắt đầu. AWS phát triển thần tốc với dịch vụ mới ra đời liên tục. Tốc độ thay đổi trong điện toán đám mây nhanh đến nỗi người ta ví rằng một năm điện toán đám mây bằng 1/10 năm dương lịch.

Mô hình dịch vụ mới mẻ với các tài nguyên tính toán, lưu trữ có thể cung cấp linh hoạt (self-services), trả phí theo thực tế sử dụng (pay-as-you-go) rất phù hợp với các startup – những những người muốn mở rộng hệ thống ứng dụng nhưng khó khăn trong việc đảm bảo dòng tiền, đầu tư hạ tầng IT, cạnh tranh thuê chuyên gia hạ tầng đủ kinh nghiệm với các công ty lớn mạnh, gánh nặng về việc thanh lý phần cứng nếu dự án thất bại. Gần 2/3 trong số hơn 1 triệu khách hàng đầu tiên của AWS là các công ty khởi nghiệp. Khi các công ty này lớn mạnh thì AWS được hưởng lợi lớn.


Xu hướng dịch chuyển lên cloud lan sang cả những doanh nghiệp lớn như General Electric, hay như Cisco đã đóng cửa 22 trung tâm dữ liệu (data center – DC) trên toàn cầu và chuyển lên cloud.


Hàng loạt chính phủ các nước từ Mỹ cho đến Anh, Buhtan, Phillipines… ban hành chính sách Cloud-First dịch chuyển ứng dụng lên cloud. Chính phủ Mỹ từ 2010-2015 từng bước đóng cửa 800 trong tổng số 2100 DC do họ quản lý. Cơ quan Tình báo trung ương CIA có hợp đồng 600 triệu USD với AWS.


AWS mang lại nhiều lợi nhuận hơn mong đợi, ngay cả sau nhiều đợt giảm giá nhằm chiếm thị phần. Một lý do là ngoài việc cung cấp khả năng tính toán xử lý và lưu trữ, nó còn có hàng trăm dịch vụ và tính năng khác, từ phân tích, email cho đến workflow và lợi thế quy mô (economy of scales) giúp giá thành rất cạnh tranh. AWS có biên lợi nhuận trước lãi vay (EBITDA margin) luôn ở mức trên +30%, bù đắp cho mảng bán lẻ cạnh tranh gay gắt với lãi mỏng như dao cạo. 2020 AWS chỉ chiếm 8% nhân sự và 11% tổng doanh thu của Amazon nhưng lại mang về đến 60% lợi nhuận.


Điện toán đám mây là thảm họa đối với những gã khổng lồ CNTT lâu đời, điển hình với IBM có 22 quý liên tục giảm doanh thu. Các công ty mới hầu như luôn chọn cơ sở dữ liệu mã nguồn mở trên cloud hơn là một phiên bản độc quyền đắt tiền từ Oracle. Càng nhiều công ty sử dụng đám mây, họ càng ít mua thiết bị từ Dell, Hewlett-Packard và các nhà sản xuất phần cứng khác. Về phần mình, để giảm chi phí và tối ưu thời gian, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tự thiết kế phần cứng và thuê các công ty Trung Quốc, Đài Loan gia công. Gia công phần cứng (ODM – Original Design Manufacturing) ngày càng mở rộng và chiếm ¼ quy mô thị trường máy chủ vật lý. Quanta Computer, có thể lần đầu bạn nghe tên, một trong những công ty dẫn đầu mảng gia công phần cứng cho các công ty cloud, doanh thu năm 2020 lên tới 35 tỷ $.

Với quy mô và tiềm năng khổng lồ, các tay chơi khác không đứng ngoài cuộc.


Tuy nhiên một lần nữa, AWS đã đánh bại các đối thủ của mình. Có thể kể ra đây hàng loạt cái tên sừng sỏ: Racspace cùng với NASA cho ra đời dự án OpenStack đã không bắt kịp tốc độ của AWS. HPE thất bại với hpcloud.com, Dell không thành công với Virtustream. VMware thử sức với Cloud Air, đã bán lại cho OVH. Oracle tìm cách liên minh với Microsoft nhưng không có chiến lược rõ ràng. IBM dành nhiều nỗ lực dẫn dắt xu thế private cloud và dự đoán các doanh nghiệp cần cloud riêng, xu thế này không trở thành hiện thực, IBM mua lại Softlayer để thâm nhập dịch vụ public cloud nhưng tiếp tục loay hoay. Mặc dù có nhiều trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, trải nghiệm IBM Cloud vẫn rời rạc vì nhiều tính năng chỉ khả dụng ở một số địa điểm cụ thể. Ngoại trừ một hai cái tên Trung Quốc, chiến trường cloud vắng bóng các tên tuổi công nghệ Châu Âu từ Anh, Pháp, Đức, Châu Á với Hàn Quốc, Nhật Bản… Chính phủ Pháp đầu tư 200 triệu euro vào dự án cloud của SFR, Orange với Clouwatt đã đóng cửa năm 2020.


Có thời điểm quy mô của AWS gấp 10 lần tổng 14 đối thủ đứng sau nhưng cũng có những điểm yếu cốt lõi, cụ thể: xu thế hiện tại cho thấy hybrid-cloud đang thắng thế, trong khi đó các giải pháp của AWS phần lớn cho public cloud. Đồng thời quá tập trung vào hạ tầng AWS bỏ quên một lĩnh vực cực kỳ quan trọng: Ứng dụng cho doanh nghiệp – SaaS. Đây có thể coi là gót chân Archilles của họ.


Các điểm yếu này lại là điểm mạnh của các đối thủ khi Microsoft, Google hoặc Salesforce đã một tập hợp các ứng dụng được đông đảo doanh nghiệp và người dùng cá nhân sử dụng trên toàn cầu. Microsoft phát triển hybrid cloud từ khá sớm với Azure Stack. AWS tiếp tục tăng trưởng nhưng những điểm này khiến họ đang chậm lại và có thể bị Microsoft vượt qua.


Chiến trường hiện tại là dữ liệu. Các nhà cung cấp đám mây đang thu thập thông tin kỹ thuật để khai thác và sử dụng thông tin chi tiết để cung cấp các dịch vụ mới hoặc cải thiện các dịch vụ hiện có. Họ cũng mở rộng mạnh mẽ sang hỗ trợ hệ sinh thái IoT, AI, blockchain, mảng NFVi (telco), điện toán biên (edge computing)…
Khối dịch vụ công nói chung cũng có nhiều sự dịch chuyển. Xuất phát từ nhiều vụ việc Microsoft Azure từ chối cung cấp dữ liệu đặt tại DC Iceland cho Tòa án, Chính phủ Mỹ ban hành luật cho phép cho phép Tòa án yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ cloud cung cấp các dữ liệu đặt ở DC nước ngoài CLOUD Act (Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act). Bộ luật khiến chính phủ các nước rất do dự, khi vừa muốn sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất để xây dựng chính phủ điện tử hiệu quả, vừa muốn đảm bảo chủ quyền dữ liệu công dân. Một xu thế mới hình thành là tự xây dựng giải pháp cloud, cụ thể như Thái Lan đầu tư 147 triệu USD xây dựng cloud chính phủ, Liên minh Châu Âu, dẫn đầu là Pháp và Đức, nỗ lực xây dựng cloud của khối với dự án Gaia-X.


Ngoài các đối thủ truyền thống như Microsoft, Google… Các đối thủ tiềm năng của AWS liên tục tăng cường sức mạnh. Alibaba dự kiến đầu tư 27 tỉ USD trong 3 năm tới cho Cloud và AI, Huawei, một công ty có khu R&D tại Dongguan lên tới 3km2, khi bị Mỹ cấm vận đã chuyển hướng tập trung vào public cloud và thành công nhanh chóng khi vươn lên vị trí thứ 2 tại Trung Quốc.


Thị trường cloud tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, và khi đại dịch tiếp tục đẩy nhiều công ty với các văn phòng đóng cửa “lên mây” thì cuộc chiến ngày càng quyết liệt.

2
3

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *